Trượt đốt sống thắt lưng là bệnh lý mô tả tình trạng sai lệch vị trí của đốt sống, gây ra các cơn đau nhức ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng trượt đốt sống có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào của cột sống, nhưng thường gặp nhất vẫn ở vùng cột sống thắt lưng.

Trượt đốt sống là gì?

Trượt đốt sống là tình trạng một đốt sống cột sống lệch ra khỏi vị trí ban đầu, có thể trượt ra trước hoặc sau so với đốt sống dưới. Người bị trượt đốt sống thắt lưng thường bị hành hạ bởi những cơn đau thắt lưng lan xuống một hoặc hai chân, đi lại và vận động khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Trượt đốt sống thắt lưng nếu không điều trị sớm có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như tê bì chân tay, khó khăn vận động, teo cơ, thậm chí là tàn phế.

trượt đốt sống thắt lưngTrượt đốt sống thắt lưng có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị sớm.

Nguyên nhân gây trượt đốt sống thắt lưng

  • Trượt đốt sống thắt lưng bẩm sinh: Xảy ra do rối loạn phát triển từ thời niên thiếu, thiểu sản mấu khớp, định hướng khe khớp nằm trên mặt phẳng hướng ra sau (thường kèm theo gai đôi) hoặc vào trong.
  • Trượt đốt sống thắt lưng do khuyết eo: Liên quan đến tổn thương vùng eo như khiếm khuyết hoặc chấn thương dây chằng nối giữa đốt sống thắt lưng trên và dưới, thường gặp ở đốt xương sống L5, S1. Nguyên nhân có thể do gãy mệt, phần eo dài hơn bình thường do hiện tượng gãy xương và liền xương xảy ra liên tục ở vùng eo hoặc chấn thương gãy eo gây trượt đốt sống (khác với trượt đốt sống chấn thương do gãy xương ở ngoài vùng eo).
  • Trượt đốt sống thắt lưng do thoái hóa: Thoái hóa cột sống, đặc biệt là thoái hóa đĩa đệm và mấu khớp làm cột sống kém vững chắc hơn so với ban đầu dẫn đến trượt đốt sống. Bệnh xảy ra chủ yếu ở vị trí đốt L4-L5,
  • Trượt đốt sống thắt lưng do bệnh lý: Một số bệnh lý nhiễm khuẩn hoặc ung thư làm hư hại đến cấu trúc cột sống gây trượt đốt sống.
  • Trượt đốt sống thắt lưng do chấn thương: Trong một số trường hợp khi chấn thương gây gãy cuống sống, mấu khớp làm mất vững cột sống.
  • Trượt đốt sống thắt lưng do biến chứng phẫu thuật: Phẫu thuật cắt cung sau hoặc cắt cung sau mở rộng kết hợp cắt các mấu khớp có thể dẫn đến trượt đốt sống, đặc biệt là đối với những bệnh nhân mất vững cột sống trước khi phẫu thuật.

Các triệu chứng của trượt đốt sống thắt lưng

Bệnh trượt đốt sống thắt lưng tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Có nhiều triệu chứng để nhận biệt trượt đốt sống thắt lưng nhưng ở giai đoạn khởi phát, người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau lưng, tê chân không rõ ràng nên thường chủ quan, không đi khám.

  • Giai đoạn đau thắt lưng: Các cơn đau sẽ diễn biến nặng dần, ban đầu là đau khi đi, cúi, ngửa, đứng lâu rồi dần dần tăng lên khi vận động, đau khi thay đổi tư thế từ ngồi lên đứng, vừa đi bộ phải vừa nghỉ vì đau. Lâu dần, cơn đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân, có thể kèm theo tê, đau tăng lên khi ho, hắt hơi.
  • Giai đoạn bệnh nặng: Bệnh nhân vẫn đối mặt với các cơn đau kèm theo co cứng cơ ở thắt lưng, căng cơ ở mặt trong đùi. Dáng đi hơi khom lưng về phía trước, mất đường cong sinh lý, có thể vẹo sang một bên, gù lưng. Tình trạng đau thắt lưng theo từng đợt, đau theo cơn, dữ dội và ngày càng xuất hiện dày hơn, đôi khi có cảm giác nóng như lửa đốt. Nặng hơn, bệnh nhân có thể sờ thấy chỗ hõm vùng thắt lưng (dấu hiệu bậc thang), teo cơ do thiếu vận động, dáng giống trẻ em tập đi…
trượt đốt sống thắt lưngTrượt đốt sống thắt lưng gây ra các cơn đau thắt lưng từ nhẹ đến dữ dội.

Phương pháp chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng

Chẩn đoán lâm sàng

Bệnh trượt đốt sống thắt lưng có thể được chẩn đoán dựa trên lâm sàng với các biểu hiện cụ thể thuộc hai hội chứng: hội chứng cột sống và hội chứng chèn ép rễ.

  • Hội chứng cột sống: Các cơn đau vùng thắt lưng, co cứng cơ thắt lưng, căng cơ đùi trong, đi đứng khó khăn, hạn chế vận động, có thể sờ thấy chỗ hõm vùng thắt lưng… Bệnh nhân đau tăng khi cột sống phải chịu tải, thay đổi tư thế cũng gây đau. Bệnh nhân nặng thường sự biến đổi về dáng người và tư thế đi.
  • Hội chứng chèn ép rễ thần kinh: Cơn đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân, bàn chân; đau tăng lên khi ho, hắt hơi; rối loạn cảm giác; hạn chế vận động; có thể teo cơ, bại liệt… Bệnh nhân có thể đau ngay cả khi nằm nghỉ.

Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Chụp X-quang quy ước: Nhằm chẩn đoán chính xác vị trí và mức độ trượt của đốt sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính CT-scan: Giúp chẩn đoán cấu trúc xương, xác định vị trí, mức độ trượt đốt sống và các tổn thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống… CT-san sẽ cho hình ảnh rõ trong trường hợp trượt đốt sống do hở eo.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Tìm ra nguyên nhân gây chèn ép rễ thần kinh, đánh giá mức độ tổn thương phần mềm và chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống thắt lưng.
trượt đốt sống thắt lưngChụp X-quang chẩn đoán trượt đốt sống thắt lưng.

Biện pháp điều trị trượt đốt sống thắt lưng

Đa số bệnh nhân trượt đốt sống thắt lưng có thể điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc đeo áo nẹp, hạn chế vận động, nghỉ ngơi… Tuy nhiên, các trường hợp nặng và có biến chứng nguy hiểm thì sẽ được chỉ định phẫu thuật ghép xương.

Điều trị nội khoa

  • Dùng thuốc: Thuốc giảm đau, kháng viêm; giảm đau thần kinh, chống trầm cảm; giãn cơ; bổ trợ, tái tạo thần kinh; thuốc giảm tiết acid dạ dày, bảo vệ dạ dày… Liều lượng và cách sử dụng cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ do các thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng tới tiêu hóa, gan…
  • Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: Các bài tập giãn cơ, căng cơ từ từ rồi tăng dần giúp làm giảm áp lực lên vùng thắt lưng; tăng cường các cơ lưng, cơ bụng và cơ đùi; đẩy lùi các cơn đau do bệnh gây ra. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được hướng dẫn và kiểm soát bởi các bác sĩ phục hồi chức năng.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý đến sinh hoạt hàng ngày, nghỉ ngơi khi có cơn đau cấp, giảm cân đối với người béo phì…
Có thể bạn quan tâm

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng khi bệnh nhân trượt cột sống thắt lưng bị đau nhiều, không đáp ứng với điều trị bảo tồn sau 6 – 12 tháng hoặc đã xảy ra các biến chứng như teo cơ, liệt vận động một hoặc hai chân, rối loạn tiểu tiện… Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng kỹ thuật trượt, cố định cột sống bằng nẹp vít cuống đốt, ghép xương liên thân đốt lối sau.

Mục đích của phẫu thuật là giải phóng chèn ép thần kinh, loại bỏ chuyển động bất thường giữa các đốt sống không vững, cố định cột sống và tạo sự liền xương tốt. Các cơn đau sẽ chấm dứt khi cột sống liền xương vững chắc.

Với phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với sự đau đớn do vết mổ và rủi ro nhiễm trùng vết mổ. Bên cạnh đó, kết quả phẫu thuật còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị trượt đốt sống thắt lưng kết hợp loãng xương thì ca mổ có thể thất bại do bắt ốc không vững, hàn xương thấp. Bệnh nhân điều trị càng sớm khi chưa có biến chứng như teo cơ, bí tiểu, liệt chi… thì càng dễ điều trị hơn. Ngoài ra, mức độ trượt càng cao, phẫu thuật càng khó và dễ biến chứng hơn.

Kết quả điều trị bệnh trượt đốt sống thắt lưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là phát hiện và chẩn đoán đúng giai đoạn bệnh để có phác đồ điều trị chính xác. Vì vậy, người bệnh khi có các triệu chứng của trượt đốt sống thắt lưng cần đi khám và điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, không nên chủ quan và tự ý sử dụng thuốc để tránh tình trạng bệnh nặng hơn.

_____________________________________________________________________________________

Đông y TUẤN DU
– Hotline/Whatsapp: 0983.444.560 – 0359.736.095
– Email: Buidinhtuan1210@gmail.com.
– Address:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *