Lễ hội Khèn mông huyện Đồng Văn lần thứ X năm 2025 – gìn giữ thanh âm nguồn cội

Lễ hội Khèn mông huyện Đồng Văn lần thứ X năm 2025
– Thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025) và Quốc tế Lao động 1.5, trong hai ngày 25/4 và 26/4 huyện Đồng Văn sẽ tổ chức Lễ hội Khèn Mông lần thứ X năm 2025.
Với chủ đề “Tiếng Khèn gọi bạn” Lễ hội Khèn mông lần thứ X, năm 2025 được tổ chức với quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Chương trình lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục mang đậm đà bản sắc dân tộc, sẽ được khai mạc vào 20h00 ngày 25/4 và được phát trực tiếp trên các nền tảng số của Đài PTTH Hà Giang và các nền tảng mạng xã hội. Chương trình diễn diễu hành đường phố sẽ được tổ chức vào hồi 19h00 ngày 25.4 tại sân Quảng trường thanh niên huyện đến cổng Phố cổ Đồng Văn. Trong khuôn khổ Lễ hội còn nhiều hoạt độg hứa hẹn đem đến cho nhân dân và du khách thập phương tham quan và trải nghiệm….
– Cây Khèn là nhạc cụ lâu đời, không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tâm linh của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá. Năm 2015, nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2024 là năm thứ IX huyện Đồng Văn tổ chức Lễ hội Khèn Mông với quy mô cấp huyện. Thông qua lễ hội nhằm phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển KT-XH; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như múa khèn, thổi khèn trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Qua lễ hội nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, quê hương, con người, bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Đồng Văn, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch – dịch vụ.

Tiết mục múa khèn ấn tượng trong lễ hội.

Lễ hội Khèn Mông trên mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn là lễ hội mà mỗi năm người dân, du khách thập phương vẫn luôn mong đợi. Không chỉ giúp tôn vinh giá trị cây khèn của đồng bào dân tộc Mông, thông qua lễ hội còn là sự gửi gắm, mong cầu có một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu. Lễ hội Khèn Mông huyện Đồng Văn lần thứ IX năm 2024 vừa qua đã thu hút đông đảo các đội tham gia với nhiều phần thi chất lượng, hay, hấp dẫn, thể hiện tín ngưỡng văn hóa dân tộc truyền thống và các hoạt động văn hóa cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện.

 

Với sự chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, phần khai mạc lễ hội với chương trình nghệ thuật đặc biệt: “Tiếng khèn trên mây” đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách thập phương. Những tiết mục văn nghệ sinh động đã tái hiện lại đậm nét về nguồn gốc sự ra đời và quá trình phát triển của cây khèn, tiếng khèn và những điệu múa khèn. Khẳng định cây khèn là một loại nhạc cụ truyền thống không thể thiếu được trong đời sống tâm linh, cũng như trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc Mông. Những tiết mục múa: “Vui hội người Mông”, liên khúc “Tiếng khèn gọi em”, “Tiếng khèn mùa lê nở”, “Đồng Văn điểm hẹn tình yêu” thể hiện tiếng mời gọi chân thành của đồng bào Mông nơi cao nguyên đến du khách khắp nơi trên thế giới.

Không chỉ có thi thổi khèn, múa khèn, trong khuôn khổ lễ hội du khách còn được trải nghiệm rất nhiều hoạt động đặc sắc, tái hiện lại đậm nét văn hóa đồng bào vùng cao như: Không gian văn hóa chợ; diễn trang phục truyền thống các dân tộc; thi đấu các môn thể thao dân tộc; thi dệt vải lanh; thi xếp bờ rào đá; thi chọi chim Họa mi… Tất cả đều là hoạt động đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của đồng bào vùng Cao nguyên đá.

Dệt lanh là nét văn hóa đặc sắc thể hiện sự đảm đang, khéo léo của phụ nữ Mông.

Đặc biệt, trong mùa lễ hội thứ IX, chương trình diễu hành đường phố lần đầu tiên được tổ chức với 26 đội thi đến từ các xã, thị trấn, đơn vị trường học. Với sự sáng tạo, mỗi đội thi vừa mang đến những tiết mục nhảy, múa sôi động, vừa giúp quảng bá thế mạnh kinh tế, đặc trưng văn hóa của địa phương mình đến đông đảo khán giả và du khách. Tiêu biểu như: Đoàn diễu hành xã Sủng Là đã mang đến “Mô hình khèn Mông” thông qua “Điệu nhảy trên cây” vô cùng đặc sắc để giới thiệu về cây khèn, khẳng định đây là một phần quan trọng của văn hóa âm nhạc truyền thống gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Mông; đoàn diễu hành xã Lũng Cú nổi bật với “Mô hình trống đồng Lô Lô” thông qua điệu nhảy “Người rừng” của người Lô Lô đen; hay như xã Tả Lủng, thông qua điệu “Múa lao động nông nghiệp” và “Mô hình củ Sâm khoai” đã giới thiệu đến khán giả cây trồng thế mạnh của địa phương, minh chứng cho sự thành công của nông nghiệp cộng đồng, mô hình này không chỉ tạo ra thu nhập ổn định mà còn góp phần vào sự phát triển KT – XH của địa phương… Với sức hút của lễ hội, từ ngày 19 và 20.4, huyện Đồng Văn đã đón 12.148 lượt khách tới tham quan, lưu trú.

Với sự thành công nối tiếp của 9 mùa lễ hội và với những chính sách bảo tồn, phát huy giá trị cây khèn Mông của huyện Đồng Văn, tin rằng, thứ âm thanh kỳ diệu của núi rừng – tiếng khèn sẽ luôn làm mê hoặc lòng người, trở thành sợi dây níu bước bất cứ ai đặt chân lên vùng non cao, đại ngàn núi đá Đồng Văn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *