Đan sâm hay còn được gọi là Viểu đan sâm, Vử đan sâm, Vân nam thử vỹ, Huyết sâm, Xích sâm, Huyết căn, Tử đan sâm, thuộc họ Hoa môi với danh pháp khoa học là Lamiaceae. Đan sâm có nguồn gốc từ rễ cây Đan sâm, một loại cây thuộc họ Bạc hà. Vị thuốc Đan sâm được dùng trong Đông Y với công dụng trị kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực, bụng dưới kết hòn cục, khớp sưng đau, mụn nhọt sưng tấy.
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Đan sâm sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của Đan sâm cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Đan sâm, Viểu đan sâm, Vử đan sâm, Vân nam thử vỹ, Huyết sâm, Xích sâm, Huyết căn, Tử đan sâm.
- Tên khoa học: Salvia miltiorrhiza Bunge.
- Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
- Công dụng: Đan sâm được dùng trong Đông Y với công dụng trị kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực, bụng dưới kết hòn cục, khớp sưng đau, mụn nhọt sưng tấy.
>Xem thêm: Mua thuốc đông y uy tín, chất lượng tại thành phố Hà Giang
Mô tả Đan sâm
Cây thảo, sống lâu năm, cao 30-80cm. Rễ mảnh có đường kính 0,5-2cm, phân nhánh nhiều, màu đỏ nâu. Thân hình trụ, có 4 cạnh và lông mềm. Lá mọc đối, kép lông chim lẻ, 3-5 lá chét, đôi khi 7, hình trứng hoặc trái xoan, dài 2-7cm, rộng 0,8-5cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép có răng cưa tròn, hai mặt phủ lông trắng mềm, dày hơn ở mặt dưới, gân lá chằng chịt thành mạng lưới, làm phiến lá như bị rộp lên, lá chét tận cùng lớn hơn, cuống lá dài.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành bông gồm nhiều vòng sít nhau ở ngọn, mỗi vòng có 3-10 hoa màu lơ tím nhạt, đài chia 2 môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 2 thùy; tràng 2 môi, môi trên dài hơn ống tràng và cong hình lưỡi liềm, môi dưới chia 2; nhị 3.
Quả bế nhỏ, đầu tù, dài 3mm. Mùa hoa: tháng 5-8; Mùa quả: tháng 6-9.
Rễ Đan sâm ăn sâu xuống lòng đất, cong queo. Rễ có màu đỏ tươi, mặt ngoài nhăn nheo tạo thành rãnh nhỏ song song xuôi theo chiều dài của rễ. Sau lớp vỏ đỏ mỏng tanh là lớp cùi mềm nâu sẫm, giữa là những thớ dọc màu vàng ngà xếp theo thớ hướng tâm như hình nan hoa xe đạp (những thớ từ vỏ ngoài chụm lại lõi đều đặn) xen kẽ là chất deo dẻo sẫm màu làm cho gân thớ càng nỗi bật và rễ thêm mềm.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Phân bố: Thảo dược phân bố chủ yếu ở Trung Quốc (Hà Bắc, Giang Tô, Tứ Xuyên, Sơn Tây,…). Hiện nay cây đã được di thực vào Việt Nam và trồng tại Tam Đảo.
Thu hoạch và chế biến: Thu hái rễ của cây vào tháng 11 – 12 hằng năm, sau đó rửa sạch, bỏ rễ con và phơi khô.
Có thể dùng sống hoặc bào chế bằng cách thái phiến, thêm rượu và ủ trong vòng 1 giờ, sau đó đem sao với lửa nhỏ cho khô (theo tỷ lệ 10:1).
Bộ phận sử dụng của Đan sâm
Rễ của cây.
Thành phần hóa học
Dược liệu chứa các thành phần hóa học như iso cryptotanshinone, cryptotanshinone, ceton, methyl-tanshinone, vitamin E, acid lactic.
Tác dụng của Đan sâm
Tính vị
Vị đắng, không có độc, tính hơi hàn.
Quy kinh
Quy vào Can, Tâm và Tâm bào.
Công dụng: Hoạt huyết thông kinh, chỉ thống, thanh tâm, khứ ứ và trừ phiền.
Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, hạ tiêu kết thành hòn cục, mất ngủ, hồi hộp, bế kinh, sưng đau khớp và nhọt sưng tấy.
>Xem thêm: Mua thuốc đông y uy tín, chất lượng tại thành phố Hà Giang
Liều lượng và cách dùng Đan sâm
Dùng đan sâm ở dạng sắc, có thể sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với một số dược liệu khác. Liều dùng trung bình 6 – 12g/ ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ Đan sâm
1. Bài thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt và hỗ trợ chữa các bệnh phụ khoa
Bài thuốc 1: Dùng đan sâm 20 – 40g, sau đó đem tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 3 – 4g uống với rượu nóng hoặc hòa với đường mía, ngày dùng 2 lần để điều kinh và bài tiết dịch ứ bên trong.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị hương phụ 8g, đan sâm 15g và trạch lan 12g hoặc dùng tiểu hồi 8g, đan sâm và đương quy mỗi thứ 15g. Đem các vị tán thành bột và dùng với liều lượng tương tự bài thuốc trên.
Bài thuốc 3: Phối hợp ích mẫu thảo, đào nhân, hồng hoa và đan sâm để điều trị chứng đau bụng khi hành kinh.
2. Bài thuốc trị đau bụng do các nguyên nhân khác
Bài thuốc 1: Dùng sa nhân, nhũ hương và một dược mỗi thứ 6 – 10g, đan sâm 12 – 20g và xích thược 8 – 12g. Đem sắc uống.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị sa nhân 6g, đan sâm 40g và đàn hương 6g. Sắc bài thuốc này uống đều đặn có tác dụng giải huyết ứ khí trệ và làm giảm triệu chứng đau vùng thượng vị.
3. Bài thuốc chữa viêm khớp cấp tính
Chuẩn bị: Hy thiêm thảo, thổ phục linh, kim ngân hoa và ké đầu ngựa mỗi thứ 20g, đan sâm 12g, tỳ giải và kê huyết đằng mỗi thứ 16g, cam thảo nam và ý dĩ mỗi thứ 12g.
Thực hiện: Đem các vị sắc thành nước và dùng hàng ngày.
4. Bài thuốc bổ Tư can
Chuẩn bị: Đương quy 2000g, thù nhục 200g, đan sâm 400g, thanh bì và chỉ thực mỗi thứ 200g, mạch môn, đơn bì, trạch tả và bạch linh mỗi thứ 200g, hà thủ ô đỏ, hoài sơn và ngọc trúc mỗi thứ 400g.
Thực hiện: Đem các vị thuốc tán thành bột mịn, sau đó thêm mật ong vào nhào thành viên. Mỗi viên hoàn có trọng lượng khoảng 5g, mỗi ngày uống từ 4 – 6 viên.
5. Bài thuốc chữa thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và mất máu ở phụ nữ sau khi sinh nở
Chuẩn bị: Địa hoàng 12g, đan sâm 8g, mạch môn 10g, huyền sâm 12g, thiên môn 10g, toan táo nhân, phục linh, đương quy, bá tử nhàn và viễn chí mỗi thứ 8g, cát cánh 6g, ngũ vị tử 6g và chu sa 0.6g.
Thực hiện: Để chu sa riêng, các vị khác sắc và uống cùng với chua sa. Hoặc tán bột và làm thành viên, mỗi ngày dùng 20g.
6. Bài thuốc chữa viêm khớp đi kèm với tổn thương ở tim
Bài thuốc 1: Chuẩn bị kim ngân hoa 20g, đảng sâm 16g, bạch truật 16g, đương quy 12g, đan sâm 20g, hoàng kỳ 16g, hoàng bá 12g, liên kiều 12g, táo nhân 8g, hoàng cầm 12g, phục linh 8g, viễn chí và mộc hương mỗi thứ 6g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
Bài thuốc 2 (dùng khi có loạn nhịp tim): Dùng kim ngân hoa và sinh địa mỗi thứ 20g, a giao, hạt vừng, liên kiều, mạch môn, đại táo mỗi thứ 12g, đảng sâm 16g, đan sâm 16g, gừng sống 4g. Ngày sắc uống 1 thang cho đến khi khỏi.
Bài thuốc 3: Sử dụng ké đầu ngựa, đảng sâm, kim ngân hoa, thổ phục linh và ý dĩ mỗi thứ 20g, đan sâm 12g, tỳ giải, bạch truật và kê huyết đằng mỗi thứ 16g. Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
7. Bài thuốc chữa suy tim
Chuẩn bị: Bạch truật, xuyên khung, trạch tả, mã đề, ý dĩ, ngưu tất, mộc thông và đan sâm mỗi thứ 16g, đảng sâm 20g.
Thực hiện: Sắc mỗi ngày 1 thang.
8. Bài thuốc chữa đau nhói vùng tim và đau tức ở ngực
Bài thuốc 1: Chuẩn bị uất kim, xuyên khung và trầm hương mỗi thứ 20g, hương phụ chế, qua lâu, xích thược và hẹ mỗi thứ 12g, đan sâm 32g và đương quy vĩ mỗi thứ 10g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
Bài thuốc 2: Sử dụng uất kim, hoàng kỳ, xích thược, hồng hoa và xuyên khung mỗi thứ 20g, đan sâm 32g, trầm hương, đảng sâm và đương quy mỗi thứ 16g, hương phụ và mạch môn mỗi thứ 12g. Đem các vị sắc thành nước uống, ngày dùng 1 thang.
9. Bài thuốc điều trị thấp khớp mãn tính thể nhiệt
Chuẩn bị: Cốt toái bổ, kê huyết đằng, rau máu, hy thiêm, độc hoạt, thổ phục linh, đan sâm, thạch cao, địa hoàng, uy linh tiên, khương hoạt, thiên hoa phấn mỗi thứ 12g, cam thảo 4g và bạch chỉ nam 8g.
Thực hiện: Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.
10. Bài thuốc điều trị thấp khớp thể hàn
Chuẩn bị: Đảng sâm 20g, đan sâm 12g, ngưu tất 10g, u chát chìu, thục địa, thổ phục linh, độc hoạt, tang ký sinh, kê huyết đằng, xích thược, thiên niên kiện, khương hoạt và đỗ trọng mỗi thứ 12g, nhục quế 8g, hoài sơn 16g.
Thực hiện: Đem các vị sắc uống mỗi ngày.
11. Bài thuốc chữa sưng gan, đau vùng gan và viêm gan mãn tính
Chuẩn bị: Nọc sởi và đan sâm mỗi thứ 20g.
Thực hiện: Đem sắc uống thay cho trà/ nước hằng ngày.
12. Bài thuốc chữa suy nhược thần kinh và mất ngủ
Bài thuốc 1: Chuẩn bị viễn chí 4g, quả trắc bá, đan sâm, táo nhân sao và liên tâm mỗi thứ 8g. Đem sắc mỗi ngày 1 thang.
Bài thuốc 2: Chuẩn bị hạt muồng sao, bạch thược, ngưu tất, đan sâm, đại táo, mạch môn và huyền sâm mỗi thứ 16g, toan táo nhân và dành dành mỗi thứ 8g. Đem sắc mỗi ngày 1 thang.
13. Bài thuốc chữa xơ gan giai đoạn đầu
Chuẩn bị: Nhân trần 20g, đan sâm 16g, bạch truật 12g, cam thảo, gừng, đại táo và đại phúc bì mỗi thứ 6g, ý dĩ 16g, bạch thược, hoàng kỳ, bạch linh và sài hồ mỗi thứ 10g, chi tử và ngũ gia bì mỗi thứ 8g.
Thực hiện: Sắc các dược liệu, ngày dùng 1 thang.
14. Bài thuốc chữa động kinh
Chuẩn bị: Đảng sâm, kỷ tử, bạch truật và hà thủ ô mỗi thứ 12g, cam thảo và trần bì mỗi thứ 6g, đan sâm 8g, phục linh, bột rau thai nhi và viễn chí mỗi thứ 8g, cam thảo và trần bì mỗi thứ 6g.
Thực hiện: Đem các vị sắc uống hoặc tán bột làm thành viên.
15. Bài thuốc chữa đau dây thần kinh liên sườn
Chuẩn bị: Bạch thược, đan sâm, uất kim, thanh bì, bạch truật, bạch linh và sài hồ mỗi thứ 8g, gừng 4g, hương phụ, bạc hà và cam thảo mỗi thứ 6g.
Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
16. Bài thuốc chữa di chứng của viêm não Nhật Bản
Chuẩn bị: Quyết minh tử sao 16g, huyền sâm, đơn bì, bạch thược, sinh địa, huyền sâm, đơn bì và bạch thược mỗi thứ 12g, đan sâm 12g, liên tâm, hoàng bá, câu dằng và lá bọ mẩy mỗi thứ 8g.
Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
17. Bài thuốc chữa đinh râu
Chuẩn bị: Kim ngân hoa, thạch cao và bồ công anh mỗi thứ 40g, tạo giấc thính 16g, đan sâm và sinh địa mỗi thứ 12g.
Thực hiện: Đem sắc uống.
18. Bài thuốc trị viêm tắc động mạch chi
Chuẩn bị: Đương quy vĩ 16g, hoàng kỳ và đan sâm mỗi thứ 20g, tô mộc, hồng hoa, nhũ hương, bạch chỉ, xích thược, đào nhân, một dược, nghệ, quế chi mỗi thứ 12g.
Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
19. Bài thuốc trị đại tiện ra máu, chảy máu mũi hoặc chảy máu dưới da
Chuẩn bị: Mao căn 40g, hồng hoa 4g, đan sâm 12g, đơn bì, liên kiều, xích thược, ích mẫu và bạch thược mỗi thứ 12g.
Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
20. Bài thuốc trị phong nhiệt ghẻ lở
Chuẩn bị: Hạt sà sàng 16g, đan sâm 20g và thổ sâm 16g.
Thực hiện: Nấu nước sôi, để ấm và rửa lên vùng da bị tổn thương.
21. Bài thuốc điều trị sốt xuất huyết
Chuẩn bị: Bồ công anh 100g, mộc thông, thông thảo, huyền sâm và xa tiền mỗi thứ 16g, đan sâm 12g và sài đất 40g, tạo giác thích 8g.
Thực hiện: Đem sắc uống.
22. Bài thuốc chữa mất kinh
Chuẩn bị: Hoàng kỳ, đảng sâm và bạch truật mỗi thứ 12g, ngưu tất, thăng ma, đương quy, bạch thược và sài hồ mỗi thứ 8g, đan sâm 8g, cam thảo 4g và trần bì 6g.
Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng Đan sâm
Đan sâm kỵ giấm, úy diêm thủy và phản lê lô, vì vậy cần tránh dùng phối hợp với những dược liệu này.
Một số dược liệu có trong bài thuốc từ đan sâm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của phụ nữ mang thai. Do đó bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Bảo quản dược liệu Đan sâm
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Đan sâm cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.
_____________________________________________________________________________________
HOT NEWS
Combo Refresh tại Đông Y Tuấn Du: Phục Hồi Năng Lượng Sau Hành Trình Khám Phá Hà Giang
Hà Giang là điểm đến lý tưởng với cảnh sắc hùng [...]
Herbal Shampoo After Massage at Tuấn Du Oriental Healthcare – Feeling Fresh and Clean.1
You’ve just finished an incredibly relaxing massage session, and your whole [...]
Gội Đầu Thảo Dược Sau Massage – Đã “Đã” Rồi Lại Còn “Sạch Sành Sanh”!
Bạn vừa hoàn thành buổi massage thư giãn cực đã, toàn [...]
Cặp Thuốc Bổ Thận Bổ Dương Hoàng Kỳ và Phụ Tử: Bí Quyết Tăng Cường Sức Khỏe Nam Giới 2024
Trong hệ thống y học cổ truyền, hoàng kỳ và phụ [...]
Cặp thuốc táo thấp hóa đàm hay được sử dụng trong đông y
Bán Hạ Và Sinh Khương – Cặp Thuốc Táo Thấp Hóa [...]
Hiệu Quả Tiêu Thực Của Thần Khúc Và Mạch Nha Trong Đông Y
Thần Khúc Và Mạch Nha – Cặp Thuốc Tiêu Thực Hiệu [...]