Chi tử là quả của cây Dành dành, ngoài ra Chi tử còn có các tên gọi khác như Sơn chi, Sơn chi tử, là một loài cây mọc hoang dại ở miền Bắc nước ta. Trong Đông Y, Chi tử là một vị thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu, làm ngưng các chứng ra máu do nóng nhiệt. Công dụng, cách dùng và những điều cần biết về chi tử sẽ được nói đến trong bài viết sau.

1. Mô tả

Chi tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây Dành dành, tên khoa học là Gardenia jasminoides Ellis, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

1.1. Cây Dành dành

Dành dành là một loại cây nhỏ, cao chừng 1 – 2m thường xanh tốt quanh năm, thân thẳng nhẵn, lá mọc đối, có lá kèm to, mặt trên màu sẫm bóng. Hoa mọc đơn độc, cánh hoa màu trắng, không cuống, có mùi thơm. Nở vào mùa hè.

Hoa dành dành - Chi tử
Hoa dành dành

Quả hình chén với 6 – 9 góc, có 2 – 5 ngăn, khi chín có màu vàng đỏ, chứa rất nhiều hạt, mùi thơm vị đắng

>>>Xem thêm: Mua thuốc đông y uy tín, chất lượng tại thành phố Hà Giang

Quả chi tử tươi trên cành
Quả Chi tử tươi trên cành

1.2. Dược liệu Chi tử

Quả hình thoi hoặc hình trứng hẹp, dài 2cm đến 4,5cm, đường kính 1cm đến 2cm. Màu vàng cam đến đỏ nâu, có khi nâu xám đến đỏ xám, hơi bóng. Có 5 đến 8 đường gờ chạy dọc qua, giữa 2 gờ là rãnh rõ rệt. Đỉnh quả lõm có 5 đến 8 lá đài tồn tại, thường bị gãy cụt. Gốc quả hẹp, có vết cuống quả. Vỏ quả mỏng, giòn, hơi bóng, vỏ quả giữa màu vàng đục, dày hơn.

Vỏ quả trong màu vàng ngà, bóng, rất mỏng, có 2 đến 3 vách ngăn giả. Hạt nhỏ, màu vàng cam, nâu đỏ hoặc nâu đen nhạt, mặt vỏ hạt có rất nhiều hạt mịn. Mùi nhẹ. Vị hơi chua và đắng.

2. Thu hái và bào chế

2.1. Thu hái

Thu hoạch vào tháng 9 đến 11, hái lấy quả chín chuyển màu vàng đỏ, ngắt bỏ cuống quả và loại bỏ tạp chất. Đem đồ hoặc luộc đến khi hạt hơi phồng lên, lấy ra bỏ vỏ lấy hạt đem phơi hoặc sấy khô.

2.2. Bào chế

Chi tử sao vàng: Lấy dược liệu khô, sao lửa nhỏ đến màu nâu vàng, lấy ra để nguội.

Chi từ sao xém (Tiêu chi tử): Lấy dược liệu khô, dùng lửa vừa sao. Đến khi mặt ngoài dược liệu vàng xém, mặt bẻ màu thẫm là được, lấy ra để nguội. Khi sao xém dược liệu dễ cháy, có thể phun một ít nước. Lấy ra phơi hoặc sấy khô.

3. Thành phần hoá học

Khoảng 162 hợp chất hóa học đã được phân lập và xác định. Trong số đó, iridoid glycoside và sắc tố màu vàng thường được coi là thành phần hoạt tính sinh học và đặc trưng chính. Hơn nữa, geniposide và genipin là các hợp chất iridoid quan trọng nhất. Sắc tố màu vàng Gardenia cũng đã được sử dụng rộng rãi như một chất nhuộm tự nhiên tuyệt vời.

Do đó, Chi tử đã được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác. Bao gồm ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dệt may và công nghiệp hóa chất, bên cạnh việc chủ yếu như một loại thuốc.

4. Tác dụng dược lý

  • Dầu được chiết xuất từ Chi tử có tác dụng chống trầm cảm thông qua các tín hiệu trung gian ở não.
  • Một số hợp chất chiết xuất từ Chi tử như geniposide, genipin và crocin, đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ thần kinh. Hoặc có hoạt động liên quan đến điều trị bệnh lão hóa. Bao gồm rối loạn chức năng ty thể, hoạt động chống oxy hóa, điều hòa apoptosis và hoạt động chống viêm, liên quan đến nhiều con đường truyền tín hiệu.
  • Nước sắc có tác dụng ức chế trung khu sản nhiệt. Tác dụng hạ sốt giống như vị Hoàng liên, Hoàng cầm nhưng yếu hơn.
  • Thực nghiệm chứng minh trên động vật sau khi thắt ống dẫn mật thấy Chi tử có tác dụng ức chế không cho bilirubin trong máu tăng. Dịch chiết Chi tử làm tăng co bóp túi mật.

5. Công dụng, liều dùng

5.1. Công dụng

Thanh nhiệt, lợi tiểu, cầm máu trong các trường hợp xuất huyết do nóng.

Chủ trị: Sốt cao, bứt rứt, miệng khát, họng đau, vàng da tiểu đỏ, đi tiêu ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, mắt đỏ sưng đau. Dùng ngoài trị sưng đau do sang chấn.

5.2. Liều dùng

Ngày dùng từ 6g đến 9g, dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài: Lấy chi tử sống với lượng thích hợp, giã nát, thêm nước rồi bôi, đắp chỗ đau.

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

6.1. Vàng da, vàng mắt, viêm gan

Dùng Siro nhân trần: Nhân trần 24g, Chi tử 12g, nước 600ml, sắc còn 100ml, thêm đường vào cho đủ thành siro. Chia 3 lần uống trong ngày.

6.2. Bỏng do nước

Chi tử đốt thành than hoà với lòng trắng trứng gà bôi lên nơi bỏng.

6.3. Trẻ em nóng sốt

Dùng cho trẻ em nóng sốt, nói sảng, ăn không được: Chi tử 7 quả, Đạm đậu sị 20g, thêm 400ml nước sắc còn 200ml, chia 3 – 4 lần uống trong ngày.

7. Kiêng kỵ

Tỳ hư, tiêu chảy, tỳ vị hư hàn mà không có thấp nhiệt, uất hỏa không dùng.

Tóm lại, Chi tử có tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, lợi tiểu, chữa được chứng sốt cao, bứt rứt, miệng khát, họng đau, vàng da tiểu đỏ. 

_____________________________________________________________________________________

Đông y TUẤN DU
– Hotline/Whatsapp: 0983.444.560 – 0359.736.095
– Email: Buidinhtuan1210@gmail.com.
– Address:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *