3 tháng đầu năm 2024, số ca bệnh dại tử vong gia tăng mạnh, tuy nhiên, tỷ lệ chó mèo được tiêm vaccine thấp.
Ngày 27/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NNPTNN tổ chức tổ chức “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024”.
Nội dung bài viết
Nhiều bệnh lây truyền từ động vật nguy hiểm
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hai thập kỷ vừa qua, trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Có thể kể đến 1 số bệnh dịch nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, đại dịch cúm A/H1N1, MERS-CoV, Ebola và gần đây nhất là đại dịch Covid-19.
“Ở trong nước, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã và đang lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân như: bệnh dại, cúm A/H5N1, bệnh liên cầu lợn ở người, bệnh Than, bệnh Leptospira (bệnh Xoắn khuẩn vàng da)”- PGS Hương cho biết.
Riêng với cúm A/H5N1, sau 8 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Theo bác cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.
Việt Nam là 1 trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng….
Có 14/45 bệnh truyền nhiễm phải báo cáo là bệnh lây truyền qua động vật, trong đó có 10 bệnh phải báo cáo trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh.
Tại Việt Nam, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người ưu tiên: Cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn vàng da (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16).
Tình hình bệnh dại lây truyền từ chó mèo phức tạp
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam,trong đó bệnh dại một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất.
Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 170%).
“Chỉ tính riêng người phải tiêm vaccine phòng dại năm 2023 là gần 700.000 người, 3 tháng đầu năm là hơn 143.000 người với chi phí trung bình là 1,2-1,5 triệu/liệu trình.
Có thể thấy mỗi năm tiêu tốn 800 tỷ đồng chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp”, ông Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNN nhấn mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, trong khi đó đường biên giới dài, giao lưu thương mại, cùng đó là thói quen giết mổ nhỏ lẻ… là những yếu tố nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
“Chỉ tính rêng từ đầu năm đến nay đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Đây là dấu hiệu cảnh báo diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong năm 2024”- ông Tiến cho biết,
Bộ NNPTNN cho biết, theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước có tổng cộng 4.936.491 hộ nuôi với tổng cộng 7.612.154 con chó, mèo; nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con).
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, tình trạng nuôi chó,mèo thả rông còn phổ biến, nhiều chủ hộ nuôi cũng không nắm rõ số lượng chó, dẫn đến việc thống kê ở nhiều nơi chỉ chính xác trung bình khoảng 80%. Như vậy, số hộ nuôi và số chó, mèo thực tế cao hơn nhiều.
Năm 2023, cả nước xảy ra 347 ca bệnh dại trên động vật (tăng 2.6 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 202 xã thuộc 106 huyện của 31 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Số ca bệnh dại trên động vật được phát hiện nhiều nhất tại tỉnh Phú Thọ (54 ca), Quảng Ninh (38 ca) và Cà Mau (41 ca).
Từ ngày 1/1 đến 25/3/2024, cả nước ghi nhận 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố; số chó, mèo mắc bệnh 86 con; số chó, mèo chết và tiêu hủy 192 con.
Hiện nay, cả nước có 22 xã thuộc 19 huyện của 13 tỉnh chưa qua 21 ngày với số mắc bệnh là 24 con, tổng chết và tiêu hủy là 115 con.
Theo ông Tiến, năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại trung bình trên cả nước là 58% tổng đàn chó, mèo nhưng có đến 21 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm phòng dưới 50% tổng đàn; trong đó có 7 tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng dưới 20% là Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Gia Lai, Hà Giang, Hậu Giang, Quảng Nam.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm vaccine dại cho chó mèo chỉ đạt khoảng 30%, chó mèo cơ bản không đeo rọ khi ra đường.
Bộ NTPTNN đánh giá, tình hình bệnh dại ở nước ta còn phức tạp là do tổng đàn chó, mèo của cả nước là hơn 7 triệu con; tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 47% tổng đàn, chỉ có 12 (19%) tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn;
Chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm phòng vaccine dại; Công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lòng lẻo; hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông;
Người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó; tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội;
Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vaccine dại cho chó theo quy định; Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, chưa phong phú và không thường xuyên;
Phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế và chính quyền ở một số địa phương còn rất hạn chế…
“Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo;
Điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc này”, ông Tiến nhấn mạnh.
PGS Hương chia sẻ, với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên.
Đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.
nguồn: Dân Việt
________________________________________________________________________________________
HOT NEWS
Thịt Trâu Héo Hà Giang – Hương Vị Núi Rừng Quyến Rũ 2025
Hà Giang, vùng đất nơi mây trời hòa quyện cùng núi [...]
Rau muống trong đông y, tại sao ăn rau muống lại bị sẹo lồi ? 2025
Rau muống (Ipomoea aquatica) là loại rau quen thuộc trong bữa [...]
Các vị thuốc đông y có nguồn gốc từ cây tre Việt Nam 2025
Cây tre là một hình ảnh quen thuộc trong đời sống [...]
The Benefits of Oriental Medicine Massage in Improving Sleep and Mental Health 2025
Oriental medicine massage is a therapeutic approach rooted in ancient principles [...]
Tác dụng của massage Đông y trong cải thiện giấc ngủ và tinh thần
Massage Đông y là phương pháp trị liệu dựa trên nguyên [...]
Guide to Choosing the Right Massage Therapy for Your Condition 2025
Massage is not just a relaxation method but also an effective [...]